Trong phiên giao dịch ngày 14/11/2022, chỉ số VN-Index đã tiếp tục giảm 1,4% xuống mức thấp nhất trong 25 tháng qua là 941,04 với 131 mã giảm sàn.
Theo ghi nhận từ thị trường, mã chứng khoán NVL của Novaland (-6,9%) là cổ phiếu lấy đi nhiều điểm giảm nhất trong phiên hôm nay khi giảm sàn trong phiên thứ tám liên tiếp.
Bên cạnh đó, các mã ngân hàng VPB (-3,7%), MBB (-5,0%), TCB (-2,6%), EIB (-6,8%) và ACB (-2,4%) đều giảm. Trong khi đó, CTG (+1,3%) tăng trong phiên thứ hai liên tiếp.
Các tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn hiện tại của các chỉ số vẫn duy trì ở mức Tiêu cực. Tuy nhiên, với việc hình thành nến Hammer phía trên đáy gần nhất tại 930 điểm, VN30 đang thể hiện những nỗ lực hình thành điểm cân bằng.
Dự báo trong phiên hôm nay 15/11/2022, VN30 có thể tiếp tục thể hiện vai trò bình ổn tâm lý thị trường sau tín hiệu cân bằng vừa được thiết lập. Theo đó, chỉ số này có thể sẽ tăng để kiểm định lại kháng cự MA5 ngày tại 960 điểm. Nếu lực cầu đủ mạnh giúp VN30 đóng cửa trên kháng cự này, chỉ số có khả năng sẽ kéo dài sự hồi phục lên vùng 980-1000 điểm (MA10, MA20).
Ở kịch bản này, thị trường có thể thu hụt một bộ phận dòng tiền tham gia bắt đáy ở những cổ phiếu đang bị bán mạnh, tuy nhiên, khả năng tạo cân bằng ở phân khúc này cần phải được theo dõi thêm.
Ngược lại, nếu VN30 một lần nữa không vượt được qua mốc 960 điểm do lực cầu yếu, chỉ số có thể sẽ kiểm định lại, thậm chí phá vỡ hỗ trợ tại 910-930 điểm.
Ngày 10/11/2022, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã ban hành báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối đối với các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ (Báo cáo),” đánh giá 4 quý tính đến tháng 6/2022 (kỳ đánh giá).
Đúng như kỳ vọng của chúng tôi trong Báo cáo cập nhật nhanh Vĩ mô tháng 6/2022, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam khỏi Danh sách Giám sát về thao túng tiền tệ trong Báo cáo mới nhất do Việt Nam đã đáp ứng ít hơn 3 tiêu chí trong 2 kỳ Báo cáo liên tiếp, bên cạnh đó Bộ Tài chính Hoa Kỳ tiếp tục ghi nhận những bước tiền của Việt Nam. Trong khi đó, 7 nền kinh tế bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Malaysia, Singapore và Đài Loan hiện đang nằm trong Danh sách Giám sát thao túng tiền tệ của Bộ Tài chính Hoa Kỳ.
Trong kỳ đánh giá mới nhất, Việt Nam chỉ vượt ngưỡng 1/3 tiêu chí theo Đạo luật 2015 – “thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ” (trong báo cáo tháng 6/2022, Việt Nam cũng chỉ vượt ngưỡng 1 tiêu chí trong kỳ đánh giá 4 quý tính đến tháng 12/2021).