Việt Nam là một trong ba trụ cột của tam giác vàng khởi nghiệp, còn nhiều dư địa phát triển và sở hữu nguồn nhân lực dồi dào nên cần tận dụng cơ hội này để phát triển.
Trong 9 tháng năm 2022, đầu tư vào lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam cũng giảm nhẹ so với năm 2021, phù hợp với xu hướng chung của thị trường đầu tư mạo hiểm toàn cầu. Số liệu cho thấy tổng vốn đầu tư đã giảm 17,9% với tổng giá trị đạt 494,208 triệu USD so với 602,25 triệu USD của năm 2021. Đồng thời, số thương vụ đầu tư trong giai đoạn này là 94 thương vụ, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù sụt giảm cả về số lượng và vốn đầu tư nhưng quy mô các thương vụ ngày càng lớn. Thống kê cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã thu hút gần 500 triệu USD vốn đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ; Số thương vụ thành công chiếm 19% toàn khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam hiện là trụ cột của tam giác vàng khởi nghiệp ở Đông Nam Á cùng với Singapore và Indonesia. (Hình ảnh minh họa: Internet)
Theo các chuyên gia quốc tế, Việt Nam là trụ cột của tam giác vàng khởi nghiệp ở Đông Nam Á cùng với Singapore và Indonesia. Trong khi đó, Việt Nam cũng có 20 quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tư nhân được thành lập. Dư địa phát triển của startup Việt còn rất lớn khi phần lớn doanh nghiệp còn rất mới; nguồn nhân lực dồi dào, nhiều nhân tài, độ mở của thị trường với khả năng tiếp cận công nghệ còn rất lớn.
Ng Vinnie Lauria, Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Golden Gate Ventures cho biết: “Các nhà đầu tư mạo hiểm đang coi Việt Nam là điểm đến mới nhất để rót vốn. Ông giải thích, Việt Nam mang đến sự kết hợp hoàn hảo giữa tài năng công nghệ hàng đầu, văn hóa khởi nghiệp vốn có và thị trường nội địa đang phát triển nhanh chóng”.
Bên cạnh những lĩnh vực rất “hot” như công nghệ tài chính (fintech), thương mại điện tử, bán lẻ,… các startup Việt nên quan sát và tìm kiếm một số lĩnh vực sẽ là xu hướng trong tương lai để tập trung phát triển như sản xuất, công nghệ nông nghiệp, robot…
Các chuyên gia cho rằng thị trường Việt Nam có nhiều tiềm năng về thương mại điện tử, chăm sóc sức khỏe… Nhưng để có thể tận dụng cơ hội, chính phủ cần đầu tư vào hạ tầng cốt lõi; có chính sách thu hút vốn đầu tư mạo hiểm; đơn giản hóa thủ tục, quy trình hay xây dựng quỹ đầu tư; hợp tác giữa doanh nghiệp và quỹ đầu tư để gia tăng hàm lượng công nghệ, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
@ Vietnamnet