Để nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong giao dịch sử dụng dịch vụ đặt xe công nghệ, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) khuyến cáo người tiêu dùng cần đọc đầy đủ thông tin thể hiện trên ứng dụng khi thực hiện giao dịch đặt xe, đồng thời lựa chọn dịch vụ phù hợp với nhu cầu. Ngoài ra, người tiêu dùng nên chú ý xem xét liệu cơ chế tích chọn đồng ý áp dụng cho mỗi chuyến đi riêng lẻ hay cho tất cả các đặt chỗ trong tương lai.
Ứng dụng Grab và Uber trên điện thoại di động. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong trường hợp người tiêu dùng phát hiện dấu hiệu vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng trên các ứng dụng đặt xe công nghệ, có thể báo cáo về những vấn đề này cho các cơ quan chính phủ và tổ chức xã hội dành riêng để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Hoặc có thể liên hệ với đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ người tiêu dùng tại số 1800.6838 của Bộ Công Thương.
Theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, gần đây đã nhận được các báo cáo liên quan đến các khoản phí bổ sung trên các ứng dụng đặt xe công nghệ. Cụ thể, một số ứng dụng gọi xe công nghệ hiện cung cấp kèm thêm các dịch vụ có thu phí như phí bảo hiểm cho chuyến đi, phí đóng góp trung hòa carbon… Những dịch vụ này không bắt buộc phải sử dụng, người tiêu dùng chỉ thanh toán thêm phí khi đồng ý lựa chọn dịch vụ.
Tuy nhiên, một số ứng dụng đã tự động tích chọn sẵn tính năng đồng ý cho các dịch vụ này khi khách hàng đặt chỗ. Nếu khách hàng không bỏ chọn tính năng này, họ sẽ phải trả thêm phí khi đặt chuyến đi.
Sau khi xem xét, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã quan sát thấy rằng việc ứng dụng tích chọn sẵn chế độ đồng ý sử dụng dịch vụ trên có thể dẫn đến việc người tiêu dùng không biết đầy đủ quyền được lựa chọn khi sử dụng dịch vụ, đặc biệt trong trường hợp cần đặt xe nhanh. Bởi lẽ, các khoản phụ phí bảo hiểm, trung hòa carbon… trên ứng dụng gọi xe công nghệ là không bắt buộc và người tiêu dùng có quyền không lựa chọn.
@Cafef