Ngoài Apple, nhiều ông lớn công nghệ khác cũng bắt đầu ngỏ ý hợp tác, đặt nhà máy tại Việt Nam.
Là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp khác nhau, thành phố cảng Hải Phòng đang lọt vào tầm ngắm của các hãng gia công linh kiện điện tử trong việc xây dựng nhà máy, sản xuất thiết bị tại Việt Nam.
“Chúng tôi không chỉ bán đất, thứ chúng tôi bán còn là tương lai của cả khu vực này”, ông Tuấn, Giám đốc kinh doanh tại Cụm công nghiệp Deep C (KCN Đình Vũ – Hải Phòng), nói với Rest of World.
Miếng bánh lớn cho Việt Nam
Khu công nghiệp này là điểm đến của Tập đoàn Pegatron, nhà cung cấp linh kiện hàng đầu cho những gã khổng lồ như Apple, Microsoft với hàng chục nghìn nhân viên.
Theo Rest of World, đây chỉ là một trong số rất nhiều doanh nghiệp chạy theo cơn sốt nâng cấp cơ sở hạ tầng ở khu vực miền Bắc nhằm thu hút các nhà sản xuất điện tử rời khỏi Trung Quốc để đến với Việt Nam. “Doanh thu trong 5 năm trở lại đây gần bằng một nửa mức doanh thu chúng tôi mất 20 năm để đạt được”, Bruno Jaspaert, Giám đốc điều hành Deep C chia sẻ.
Foxconn đã đầu tư hơn 300 triệu USD để thuê lại 50,5 ha đất tại Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang). Ảnh: New York Times.
Ngoài những thay đổi về cơ sở hạ tầng và nhà máy, Việt Nam còn trở thành điểm đến hứa hẹn của các doanh nghiệp nhờ các ưu đãi về thuế, các hiệp định thương mại tự do và mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, Rest of World nhận định.
Tuy nhiên, việc các nhà máy mọc lên quá nhanh cũng khiến các công ty điện lực không theo kịp. Tại Bắc Giang, những khu nhà ở được quảng cáo là “cao cấp” dành cho công nhân xuất hiện giữa những bãi đất trống cỏ dại mọc um tùm.
Khu nhà ở này trông rất hào nhoáng, được trang bị máy lạnh bên trong và biển quảng cáo bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau để thu hút người nước ngoài đến ở. Nhưng có đến một nửa số phòng trống, không có ai ở.
Trao đổi với Rest of World, ông Minh Hoàng, giám đốc dự án Công ty Cổ phần Xây dựng Hải Long, Hải Phòng, cho biết trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, các nhà cung cấp nhỏ của nước này đã bắt đầu tìm đến công ty của ông để xây dựng nhà máy. Nhưng gần đây, các thương hiệu lớn cũng ngỏ ý muốn hợp tác.
Chẳng hạn, năm nay, công ty Hải Long xây dựng nhà máy mới cho LG Display và vừa ký hợp đồng với Amkor Technology, hãng sản xuất chất bán dẫn lớn của Mỹ. “Các dự án ngày càng lớn và yêu cầu đối tác đặt ra cũng ngày càng khắt khe”, anh Hoàng nói. Trong đó, Apple là một trong những tên tuổi lớn đang dần chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Các đối tác của nó đã bắt đầu sản xuất iPad, Apple Watch, MacBook và AirPod ở nước ta.
Năm 2015, chỉ có 8 nhà cung cấp của Apple có nhà máy tại Việt Nam. Nhưng con số đó đã được nâng lên 26 nhà máy vào năm nay. Trong đó, có nhà máy chịu trách nhiệm lắp ráp, thử nghiệm linh kiện bán dẫn, đóng gói, gia công bản mạch.
Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài
Nhưng vấn đề là không có nhà cung cấp nào trong số này là người Việt Nam. Trên thực tế, các doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực cung cấp linh kiện không có những ưu tiên về bất động sản hay quy mô đầu tư như các công ty nước ngoài.
“Việt Nam đang trải thảm đỏ đón nhà đầu tư nước ngoài. Nước ta đã miễn nhiều loại thuế để thu hút họ”, bà Trương Thị Chí Bình, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, nói với Rest of World.
Do đó, Việt Nam vẫn còn thiếu những nhà cung cấp linh kiện nội địa nên sẽ rất khó bật lên trong lĩnh vực này, Timothy Sturgeon, nhà nghiên cứu tại trung tâm Industrial Performance Center của Massachusetts Institute of Technology, nhận định.
“Apple và nhiều thương hiệu khác sẽ đến Việt Nam cùng với những đối tác gia công của mình đến từ khắp mọi trên thế giới nhưng lại không có những cái tên đến từ nội địa”, ông cho biết thêm.
Nhiều ông lớn công nghệ đã quyết định chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, sang các nước như Việt Nam hay Ấn Độ. Ảnh: Getty Images.
Chia sẻ với Rest of World, ông Nguyễn Văn Mẫn cho biết công ty của ông từng đảm nhận sản xuất bao bì và in ấn cho các thương hiệu lớn như Samsung, Sharp và Mitsubishi. Tuy nhiên, khi nghe tin Apple sẽ chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam, anh nghĩ rằng mình sẽ khó có hy vọng hợp tác với tập đoàn này.
Ông Mẫn cho rằng vụ việc này giống như “cây gậy và củ cà rốt”, có thưởng phạt nếu hợp tác với họ. “Nhưng củ cà rốt này không dễ ăn,” ông nói với Rest of World. Ông Mẫn cũng cho biết, ông từng bị mất hợp đồng lớn với đối tác Mỹ do không có sân bãi đủ rộng để công nhân thoát hiểm khi có hỏa hoạn.
Ông nói: “Họ chỉ mượn đất và công nhân của chúng tôi để xuất khẩu sản phẩm của họ. Vì vậy, ông cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam không nên cạnh tranh với nhau chỉ để giành miếng bánh từ các ông lớn công nghệ này.
@ Zing News