Để tăng thu ngân sách, hạn chế tình trạng đầu cơ, bỏ hoang nhà đất tại các dự án, UBND TP.HCM kiến nghị đánh thuế đối với bất động sản thứ hai trở lên.
Đánh thuế nhà, đất thứ hai trở lên
UBND TP.HCM vừa trình Chính phủ xây dựng nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển Thành phố. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 (Nghị quyết 54).
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 54, TP.HCM đã đạt được một số kết quả, nhưng về cơ bản vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra, nhất là cơ chế, chính sách để TP huy động nguồn lực trong khi dư địa còn rất lớn.
Trên cơ sở ý kiến của nhiều tổ chức, bộ ngành, chuyên gia và cơ quan liên quan, UBND TP.HCM đề xuất đưa nội dung kiến nghị vào dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54.
TP.HCM muốn thí điểm thu thuế bất động sản thứ 2 trở lên để hạn chế đầu cơ
Về quản lý đầu tư, TP.HCM mong muốn có chính sách tháo gỡ “nút thắt” liên quan đến thủ tục đầu tư; cơ chế giao – cho thuê đất; Lựa chọn chủ đầu tư dự án chỉnh trang đô thị, cải tạo chung cư cũ.
Một nội dung quan trọng nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách và tăng tính chủ động cho TP.HCM trong phân bổ nguồn thu ngân sách địa phương cũng được kiến nghị là vấn đề ngân sách.
Cụ thể, TP.HCM đề xuất được quyền quyết định bổ sung chính sách thuế đối với quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất của người dân là bất động sản thứ hai trở lên.
Theo UBND TP.HCM, mục đích của quy định này là thí điểm chính sách thuế BĐS, làm cơ sở thực tiễn để xây dựng các chính sách chung sau này. Đồng thời, tăng nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách địa phương, hạn chế tình trạng đầu cơ, sang nhượng nhà, đất ở tại các dự án BĐS gây lãng phí nguồn lực xã hội như hiện nay.
Năm 2022, theo quyết định của Quốc hội, TP.HCM sẽ hưởng ngân sách theo tỷ lệ điều tiết là 21%. Thành phố đề xuất giữ nguyên mức thu này đến hết năm 2025, đồng thời không đưa vào điều chỉnh các khoản thu thuế, phí đang áp dụng thí điểm như thuế tài sản thứ hai hay các loại phí, lệ phí mới.
Theo UBND TP.HCM, quy định trên phù hợp với thông lệ quốc tế khi “thuế BĐS chỉ được dùng để đầu tư nâng cao phúc lợi cho người dân tại địa phương nơi phát sinh nguồn thu thuế”.
Bồi thường đúng loại đất bị thu hồi
Đối với lĩnh vực quản lý đô thị và tài nguyên môi trường, ngoài đề xuất giữ nguyên quy định quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên 10 ha, TP.HCM kiến nghị bổ sung một số nội dung như:
Phân cấp cho Thành phố Hồ Chí Minh được phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị trong tổng thể quy hoạch đô thị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chi tiết đồng thời lấy ý kiến cộng đồng dân cư để rút ngắn thời gian;
Phân cấp cho TP.HCM được quyết định các nội dung liên quan đến: Xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà tái định cư, xử lý chung cư cũ, nhà trên và ven kênh rạch… bởi đây là điểm nghẽn lớn trong đầu tư các dự án hiện nay;
Phân cấp toàn diện cho TP.HCM trong việc xây dựng, ban hành hệ số điều chỉnh giá đất để tính tiền sử dụng đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất;
Cho phép TP.HCM thí điểm cơ chế đền bù giải phóng mặt bằng theo “tỷ lệ đất đai” bảo đảm linh hoạt theo yêu cầu của từng dự án và sự tự nguyện của người sử dụng đất;
TP.HCM thí điểm tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án đầu tư công độc lập với dự án nhóm B trên địa bàn để sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, tránh tình trạng “vốn chờ dự án”, đội vốn hồ bơi do thiếu chỗ.
@ Vietnamnet