Thống kê cho thấy, dòng vốn ngoại vẫn âm thầm đổ vào Việt Nam qua nhiều kênh, qua đó giúp nhiều nhà đầu tư lấy lại niềm tin vào thị trường chứng khoán cũng như triển vọng tích cực của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Vốn ngoại đổ mạnh
Thị trường chứng khoán 29/11 chứng kiến áp lực bán chốt lời mạnh mẽ với chỉ số VN-Index có lúc quay đầu giảm điểm sau khi chinh phục thành công ngưỡng 1.000 điểm trong phiên trước.
Tuy nhiên, dòng tiền vào thị trường rất lớn, áp đảo lượng cổ phiếu bán ra với lực mua chủ yếu đến từ khối ngoại. Trong phiên 29/11, khối ngoại mua ròng gần 2.600 tỷ đồng, tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechips. VN-Index cuối phiên tăng 26,47 điểm lên 1.032,16 điểm.
Tính từ đầu tháng 11, khối ngoại đã mua ròng hơn 14.000 tỷ đồng giá trị cổ phiếu trên TTCK Việt Nam, đảo chiều so với tháng 9 và tháng 10. Tổng cộng trong 11 tháng, khối ngoại đã mua ròng hơn 12.000 tỷ đồng.
Dòng tiền ngoại chảy mạnh vào Việt Nam trong bối cảnh giá cổ phiếu xuống đáy 2 năm, VN-Index có lúc xuống 873 điểm (sáng 16/11).
Khối ngoại đẩy mạnh mua ròng trong thời gian gần đây. (Biểu đồ: M. Hà)
Trong phiên 29/11, khối ngoại mua vào hơn 20 triệu cổ phiếu Địa ốc Phát Đạt (PDR), sau khi PDR giảm sàn 18 phiên và bốc hơi hơn 70%.
Thời gian gần đây, khi giá giảm sâu, Dragon Capital đã gia tăng sở hữu tại nhiều cổ phiếu, trong đó có Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC), Hà Đô (HDG), FPT Retail (FRT),…
Quỹ KIM Vietnam Fund của Hàn Quốc cũng có quy mô tài sản gần 1 tỷ USD.
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn – Nhà sáng lập FIDT JSC, dòng vốn ngoại tiếp tục gia nhập thị trường. Quỹ đến từ Đài Loan (Trung Quốc) – Fubon FTSE Vietnam ETF – đã được Ủy ban Giám sát và Điều tiết Tài chính Đài Loan chấp thuận cho phép thành lập lần thứ 4, với số vốn lên tới 160 triệu USD (tương đương 4.000 tỷ đồng). Đây sẽ là nguồn vốn ngoại quan trọng hỗ trợ thị trường chứng khoán đầu tháng 12.
Fubon ETF đầu tư theo chỉ số tham chiếu FTSE Vietnam 30 Index. Quỹ vẫn là đầu tàu dẫn dòng vốn từ Đông Á vào chứng khoán Việt Nam.
Tính đến ngày 28/11, giá trị tài sản ròng của Fubon ETF đạt khoảng 570 triệu USD, tập trung chủ yếu vào cổ phiếu của Vingroup, Vinhomes, Vincom Retail, Masan, Hòa Phát, Vinamilk, Vietcombank, SSI, Novaland, VietJet…
Vốn FDI vào Việt Nam khá khả quan với số vốn đăng ký mới trong 11 tháng năm 2022 đạt 25,1 tỷ USD.
Tín hiệu tốt cho doanh nghiệp
Trong bối cảnh nhiều tổ chức lao đao vì không huy động được vốn trong nước từ ngân hàng cũng như thị trường chứng khoán, trái phiếu, một số doanh nghiệp vẫn hút được vốn ngoại cho hoạt động kinh doanh.
Ngày 29/11, Masan Group của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang cho biết đã giải ngân thành công toàn bộ khoản vay hợp vốn kỳ hạn 5 năm trị giá 600 triệu USD với lãi suất khá thấp 6,7%/năm. Giao dịch đã được bảo lãnh và thu hút 37 tổ chức tài chính quốc tế đăng ký vượt mức. Đây là khoản huy động vốn hợp vốn nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay trong khu vực tư nhân tại Việt Nam.
Vốn ngoại đổ vào Việt Nam qua nhiều kênh. (Ảnh: Hoàng Hà)
Đầu tháng 11, Ngân hàng Quốc tế (VIB) thông báo đã nhận được khoản vay 150 triệu USD từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC).
Theo Maybank Securities, dòng vốn ngoại ra và vào chủ yếu dựa vào diễn biến tỷ giá. VND khá tích cực so với đồng tiền của nhiều nước.
Áp lực tỷ giá gần đây đã hạ nhiệt khi FDI giải ngân cao và khách du lịch quốc tế tăng trở lại.
Theo HSBC, dòng vốn ngoại đổ vào doanh nghiệp Việt Nam cho thấy niềm tin mạnh mẽ của các nhà đầu tư vào tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Đó cũng là kết quả của sự phục hồi kiên cường sau Covid của Việt Nam.
Hiện nhiều doanh nghiệp lớn duy trì tỷ lệ đòn bẩy và vị thế thanh khoản bền vững nhờ khả năng thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Vingroup, VPBank, Đất Xanh… cũng thu hút hàng trăm triệu USD từ trái phiếu quốc tế.
@ Vietnamnet