Thị trường tài chính toàn cầu giảm mạnh trước xung đột Nga – Ukraine. Xung đột leo thang giữa Nga và Ukraine đã khiến các chỉ số chứng khoán trên toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất tính từ đầu năm.
Trong tháng 2, chỉ số Dow Jones và S&P 500 lần lượt giảm 3,3% và 3,1%, nâng mức giảm từ đầu năm (YTD) lên 6,7% và 8,2%. Ngoài ra, chỉ số MSCI Frontier Markets Index (MXFM) và MSCI Emerging Markets Index (MXEF) cũng lần lượt giảm 4,4% (-7,8% YTD) và 3,1% (-4,9% YTD) trong tháng 2.
Căng thẳng địa chính trị toàn cầu ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam.
Chỉ số VN-Index (VNI) diễn biến tích cực trong tuần giao dịch đầu tiên sau Tết Nguyên đán khi đóng cửa vượt 1.500 điểm vào ngày 10/02. Tuy nhiên, chỉ số VNI đã giảm 2,3% xuống còn 1,470 điểm trong 2 phiên sau đó khi các chỉ số trên thị trường quốc tế giảm mạnh trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine gia tăng. Mặc dù chỉ số VN-Index sau đó đã hồi phục trở lại quanh mốc 1.500 điểm, nhưng căng thẳng địa chính trị vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trong suốt thời gian còn lại của tháng.
Chỉ số VN-Index đóng cửa tháng 2 ở mức 1.490 điểm (+0,8% so với tháng trước). So với cuối năm 2021, chỉ số VN-Index giảm 0,5%, ngược lại với diễn biến của các thị trường lân cận khác trong khu vực như JCI của Indonesia (+5,7%), PCOMP của Philippines (+3,5%) và SET của Thái Lan (+2,4%).
Các cổ phiếu ngành Năng lượng và Vật liệu tăng trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang. Giá dầu thế giới leo thang đẩy các cổ phiếu dầu khí tăng 15,3% trong tháng 2), dẫn dắt bởi PLX (+11,1%), PVS (+28,8%) và PVD (+14,4%). Ngoài ra, nhóm Nguyên vật liệu cũng tăng 13,1% trong tháng, chủ yếu nhờ HPG (+11,8%), GVR (+9,5%) và DGC (+18,2%). Ngược lại, ngành Bất động sản giảm 5,8% trong tháng, chủ yếu do ảnh hưởng bởi VIC (-20,6%) sau khi công ty công bố báo cáo KQKD quý 4/2021 kém tích cực.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng trong tháng thứ bảy liên tiếp. Các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 11,8 triệu USD trong tháng 2 (nâng tổng mức bán ròng trong 2 tháng đầu năm 2022 lên 30 triệu USD) trên tổng cả 3 sàn. VIC (-7,4 triệu USD), HPG (-46,0 triệu USD) và HDB (-21,9 triệu USD) là những cổ phiếu chịu áp lực bán ròng mạnh nhất của NĐT nước ngoài. Ở chiều ngược lại, VHM vẫn nằm trong top 3 cổ phiếu được khối ngoại mua ròng tháng thứ 4 liên tiếp với giá trị 21,1 triệu USD trong tháng 2 và đã mua tổng cộng 114 triệu USD kể từ tháng 11/2021. Trong khi đó, NĐT nước ngoài mua ròng 1,9 tỷ USD trên sàn SET của Thái Lan, 1,2 tỷ USD trên sàn PCOMP của Philippines và 141 triệu USD trên sàn JCI của Indonesia trong tháng 2.
Thanh khoản thị trường giảm nhẹ. Giá trị giao dịch trung bình hàng ngày (ADTV) trên tổng cả 3 sàn đã giảm 16,1% so với tháng trước (MoM), xuống 1,2 tỷ USD trong tháng 2. Tuy nhiên, ADTV trên tổng cả 3 sàn trong 2 tháng đầu năm 2022 đạt 1,3 tỷ USD (tăng 60% so với cùng kỳ).
Triển vọng thị trường
Tâm lý thận trọng vẫn có thể tiếp tục trong tháng 3 do các lo ngại xung quanh cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine cũng như lạm phát toàn cầu gia tăng. Ngoài ra, Fed dự kiến sẽ quyết định tăng lãi suất trong cuộc họp vào ngày 15-16/3 sau hơn ba năm giữ mức lãi suất cơ sở gần bằng 0.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) việc tăng lãi suất này đã được phản ánh vào biến động thị trường, nhưng các tín hiệu của Fed về lộ trình tăng lãi suất trong tương lai có ý nghĩa quan trọng và cần được theo dõi. Tính đến cuối tháng 2, P/E trượt của VN-Index đạt 17,0 lần, thấp hơn nhiều so với các thị trường lân cận như PCOMP của Philippines là 23,4 lần và JCI của Indonesia là 23,0 lần.