Ngày 24/11/2021, chỉ số VN-Index tăng 1,7% và lập đỉnh mới tại 1.488,87 điểm khi các nhà đầu tư tập trung vào các cổ phiếu ngân hàng do có khả năng nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với một số ngân hàng.
Các mã ngân hàng tăng mạnh với 6 mã tăng trần: MBB (+6,9%), VIB (+6,9%), STB (+6,8%), SSB (+6,9%), OCB (+7,0%) và EIB (+6,9%). Ngoài ra, các mã VCB (+5,7%), TCB (+5,5%), CTG (+3,8%), BID (+3,0%), VPB (+2,9%) và ACB (+4,1%) đều tăng mạnh.
Các công ty con của Vingroup là VHM (+1,4%) và VRE (+3,1%) tăng nhưng công ty mẹ VIC (-0,7%) lại giảm.
Các mã sản xuất thép HPG (-1,8%) và HSG (-2,9%) đều giảm sau 2 phiên tăng điểm liên tiếp.
GAS (-1,5%) đã giảm trong 4/5 phiên giao dịch gần nhất.
Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của VNMidcap, HNX-Index cải thiện lên Tích cực, tuy nhiên hai chỉ số này đều chưa vượt đỉnh cũ như là VN-Index hay VN30. Trong khi đó, tín hiệu của VNSmallcap vẫn được giữ ở mức Trung tính.
Dự báo trong phiên ngày mai, thị trường có thể sẽ duy trì đà tăng điểm với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Theo đó, các chỉ số như VN30 hay VN-Index sẽ tiếp tục nỗ lực thiết lập những mốc cao lịch sử mới với kháng cự mang tính chất tâm lý đối với VN-Index nằm ở vùng 1500-1520 điểm.
Trong khi đó, những VNMidcap, VNSmallcap hay HNX-Index được kỳ vọng sẽ tăng với xung lực yếu hơn và có xu hướng kiểm định lại vùng đỉnh gần nhất. Hiện tại, chiến lược đầu tư ngắn hạn nên được cân nhắc dịch chuyển một tỷ trọng nhiều hơn cho các cổ phiếu dẫn dắt chỉ số với ngưỡng stoploss tham chiếu theo VN-Index hiện có thể kéo lên vùng 1470 điểm.
Các nhà đầu tư có thể theo dõi tín hiệu kỹ thuật của Top 15 cổ phiếu ảnh hưởng mạnh nhất đến VN-Index, Top 10 cổ phiếu ảnh hưởng mạnh nhất đến HNX-Index và UpCom Index; cũng như của một số các cổ phiếu đầu cơ do VCSC lựa chọn.