Tính đến nay, có 30 doanh nghiệp nợ lương của 6.946 lao động với tổng số tiền là 110,227 tỷ đồng. Dự báo trong thời gian tới, nhiều lao động tiếp tục thiếu việc làm, mất việc làm.
Những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp vắng bóng, cắt giảm đơn hàng. Ảnh: Phạm Ngôn.
Tại hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình doanh nghiệp bị cắt đơn hàng, cắt hợp đồng lao động đối với người lao động, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, những tháng cuối năm nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, cắt giảm đơn hàng khiến hàng trăm hàng ngàn công nhân bị cắt giảm giờ làm và mất việc làm.
Theo thống kê sơ bộ của cơ quan này, 10 tháng đầu năm có 122.100 doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động, nhiều lao động mất việc làm. Khoảng 1.235 doanh nghiệp tại 44 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng sản xuất kinh doanh phải cắt giảm lao động.
Khoảng 472.214 lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng, trong đó 41.556 người mất việc làm (chiếm 8,80%), 430.665 người giảm giờ làm (chiếm 91,20%) bao gồm giảm giờ làm hàng ngày, giảm ngày làm việc, nghỉ có hưởng lương, nghỉ không hưởng lương… tạm hoãn hợp đồng lao động.
Tính đến thời điểm hiện tại, có 30 doanh nghiệp nợ lương của 6.946 lao động với tổng số tiền là 110,227 tỷ đồng; 121 doanh nghiệp nợ BHXH của 32.315 lao động với tổng số tiền 237,932 tỷ đồng.
Cơ quan này dự báo thời gian tới, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục khó khăn, đơn hàng tiếp tục bị cắt giảm, có thể đến hết quý I, thậm chí quý II/2023, dẫn đến nhiều người lao động tiếp tục bị thiếu, mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống.
Theo thông tin chung, dự kiến trong tháng 12 và những tháng đầu năm 2023, có 667 doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm số giờ làm của 271.736 lao động và 88 doanh nghiệp dự kiến cắt giảm thêm 15.769 lao động.
Trước tình cảnh khó khăn của hàng trăm nghìn công nhân, Tổng LĐLĐVN yêu cầu các công đoàn trực thuộc chủ động nắm bắt đầy đủ, kịp thời tình hình khó khăn, thiếu, cắt giảm đơn hàng của các doanh nghiệp, số lượng người lao động bị giảm thời giờ làm việc, nghỉ hưởng lương ngừng việc, tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động; nợ lương… để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.
Ngoài ra, tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ công đoàn cơ sở theo dõi sát sao, nắm chắc tình hình doanh nghiệp, đoàn viên, người lao động để tham gia, đề nghị người sử dụng lao động sớm xây dựng chế độ nghỉ Tết, chế độ lương, thưởng và các chế độ khác cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán năm 2023.
“Chủ động thực hiện, phối hợp với các tổ chức đại diện, hiệp hội người sử dụng lao động đề xuất với tỉnh, thành ủy, cấp ủy, UBND tỉnh, thành phố, chính quyền và chuyên môn cùng cấp thực hiện triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, giữ việc làm cho người lao động”, đại diện Tổng LĐLĐVN nói.
@ Zing News